"Mứt chôm chôm Cô Chín" Bến Tre

Chôm chôm là một trong những loại trái cây đặc sản của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Với ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản quê hương, góp phần đưa trái chôm chôm vươn xa trên thị trường, chị Trần Thị Thu Hồng - ấp Phú Ninh – xã Phú Đức đã không ngừng sáng tạo, chế biến thành công sản phẩm mứt chôm chôm sấy dẻo mang nhãn hiệu đăng ký hàng hóa “mứt chôm chôm Cô Chín”, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Hiện nay, mứt chôm chôm sấy dẻo Cô Chín sản xuất có 2 loại có hạt và không hạt với vị ngọt và chua cay. Để làm ra 150kg mứt chôm chôm sấy dẻo cần khoảng 1 tấn chôm chôm tươi.

Chôm chôm sau khi được tách vỏ, sẽ được rửa nhiều lần qua nước sạch, tiếp đó, để cho ráo nước và ướp đường theo định lượng. Sau khi đường ngấm thì mới đem vào sên mứt trên lửa khoảng 2 giờ sao cho cơm dẻo và hạt chín. Sau khi sên mứt, chị Hồng đưa vào máy sấy khoảng 10 giờ mới đóng gói đưa ra thành phẩm. Hạt chôm chôm sau khi được sấy sẽ thơm béo, hòa quyện với vị ngọt và chua của thịt mứt ăn rất là ngon và lạ miệng.

Mứt chôm chôm bình thường nếu ngào thủ công không sấy thì chất lượng không ngon và thời gian bảo quản ngắn do hàm lượng ẩm cao. Khi mứt chôm chôm được sấy dẻo, người chế biến có thể kiểm soát được màu, độ ngọt, hàm lượng ẩm, nên màu sắc vàng nâu tự nhiên không quá sậm do không cho phản ứng đường caramen hoá. Đồng thời, mứt sẽ dẻo hơn do sấy nhiệt độ thấp trong thời gian dài, hàm lượng ẩm thấp giúp kéo dài thời gian bảo quản, và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Thu Hồng cho biết: “Đối với việc sản xuất mứt chôm chôm thì mình chọn chôm chôm java vừa chín tới, bởi vì loại này có vị chua tự nhiên, nên khi làm, mứt vẫn có vị chua và ăn không ngán, giá thành cũng phù hợp. Nếu là chôm chôm nhãn thì hàm lượng đường cao và cơm không dày như chôm chôm java, còn chôm chôm Thái thì giá thành cao không phù hợp để làm mứt nên tôi chọn loại chôm chôm java để làm mứt sấy dẻo”.

Với mô hình này, chị Trần Thị Thu Hồng đã góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương từ 7 – 20 người, với mức thu nhập từ 1.500.000 đồng – 2.000.000 đồng/tháng và dự án AMD đã hỗ trợ trên 95 triệu đồng chị đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị trong sản xuất. “Mứt chôm chôm cô Chín” được huyện Châu Thành xem là một trong những sản phẩm tiềm năng trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là chương trình Ocop tại địa phương.


Đã thêm vào giỏ hàng