Chị Trần Thị Thu Hồng khởi nghiệp từ đặc sản quê hương – Trái chôm chôm

Chôm chôm là một trong những loại trái cây đặc sản của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Với ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản quê hương, góp phần đưa trái chôm chôm vươn xa trên thị trường, chị Trần Thị Thu Hồng - ấp Phú Ninh – xã Phú Đức đã không ngừng sáng tạo, chế biến thành công sản phẩm mứt chôm chôm sấy dẻo mang nhãn hiệu đăng ký hàng hóa “mứt chôm chôm Cô Chín”, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Thành công với mô hình mứt chôm chôm sấy dẻo

 Nói về cơ duyên vào việc sản xuất mứt chôm chôm, chị Trần Thị Thu Hồng vui vẻ cho biết:  bài toán “được mùa rớt giá” luôn là nỗi trăn trở của người dân địa phương. Vì thế, qua tìm hiểu, Hồng được biết trái chôm chôm có giá trị dinh dưỡng cao, nên vào dịp Tết năm 2017, Hồng mạnh dạn quyết định từ bỏ con đường du học để sản xuất mứt chôm chôm tại địa phương. Khởi nghiệp từ 6 tấn mứt đầu tiên, sau khi trừ tất cả chi phí, Hồng đã mang về lợi nhuận 40 triệu đồng. Chị Trần Thị Thu Hồng tâm sự: “Xuất phát từ nguồn nguyên liệu dồi dào, và giá cả bấp bênh, tôi lại học chuyên ngành về công nghệ thực phẩm nên tôi muốn tìm đầu ra ổn định cho trái chôm chôm và có thể giải quyết việc làm cho các nông dân nhàn rỗi có thêm thu nhập”.

Hiện nay, mứt chôm chôm sấy dẻo được Trần Thị Thu Hồng sản xuất có 2 loại có hạt và không hạt với vị ngọt và chua cay. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để làm ra 150kg mứt chôm chôm sấy dẻo cần khoảng 1 tấn chôm chôm tươi.   Chôm chôm sau khi được tách vỏ, sẽ được rửa nhiều lần qua nước sạch, tiếp đó, để cho ráo nước và ướp đường theo định lượng. Sau khi đường ngấm thì mới đem vào sên mứt trên lửa khoảng 2 giờ sao cho cơm dẻo và hạt chín. Sau khi sên mứt, chị Hồng đưa vào máy sấy khoảng 10 giờ mới đóng gói đưa ra thành phẩm. Hạt chôm chôm sau khi được sấy sẽ thơm béo, hòa quyện với vị ngọt và chua của thịt mứt ăn rất là ngon và lạ miệng.

 Hồng cho biết: Mứt chôm chôm bình thường nếu ngào thủ công không sấy thì chất lượng không ngon và thời gian bảo quản ngắn do hàm lượng ẩm cao. Khi mứt chôm chôm được sấy dẻo, người chế biến có thể kiểm soát được màu, độ ngọt, hàm lượng ẩm, nên màu sắc vàng nâu tự nhiên không quá sậm do không cho phản ứng đường caramen hoá. Đồng thời, mứt sẽ dẻo hơn do sấy nhiệt độ thấp trong thời gian dài, hàm lượng ẩm thấp giúp kéo dài thời gian bảo quản, và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Thu Hồng cho biết: “Đối với việc sản xuất mứt chôm chôm thì mình chọn chôm chôm java vừa chín tới, bởi vì loại này có vị chua tự nhiên, nên khi làm, mứt vẫn có vị chua và ăn không ngán, giá thành cũng phù hợp. Nếu là chôm chôm nhãn thì hàm lượng đường cao và cơm không dày như chôm chôm java, còn chôm chôm Thái thì giá thành cao không phù hợp để làm mứt nên tôi chọn loại chôm chôm java để làm mứt sấy dẻo”.

Trung bình một tháng, chị Hồng sản xuất từ 1 – trên 2 tấn mứt, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Với mong muốn mang đến sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, mứt chôm chôm sấy dẻo của chị Trần Thị Thu Hồng được chú trọng từng khâu như: lựa chọn nguyên liệu, chế biến thực phẩm đến đến thiết kế bao bì, nhãn mác nhằm tạo dựng niềm tin cho sản phẩm đến khách hàng.

Đưa sản phẩm tham gia hội chợ Ocop

Với mô hình này, chị Trần Thị Thu Hồng đã góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương từ 7 – 20 người, với mức thu nhập từ 1.500.000 đồng – 2.000.000 đồng/tháng và dự án AMD đã hỗ trợ trên 95 triệu đồng chị đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị trong sản xuất. “Mứt chôm chôm cô Chín” được huyện Châu Thành xem là một trong những sản phẩm tiềm năng trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là chương trình Ocop tại địa phương. “Khi tham gia vào hội chợ sản phẩm Ocop tôi được hỗ trợ rất nhiều về mặt pháp lý, gian hàng. Khi tham gia chương trình hội chợ Ocop tôi nhận thấy, ngoài chất lượng sản phẩm ra thì bao bì, hình thức rất quan trọng. Bởi vì thị hiếu khách hiện nay, là sản phẩm phải bắt mắt thì mới chọn sản phẩm nên trong thời gian tới tôi sẽ thay đổi bao bì, mẫu mã và hướng tới sản xuất chôm chôm sấy dẻo và chuối sấy dẻo chua cay” – chị Trần Thị Thu Hồng chia sẻ.

Hướng đến sản xuất phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm

Nâng cao giá trị của “tài nguyên bản địa” đồng thời tháo gỡ khó khăn được mùa mất giá của nông sản quê nhà, chị Trần Thị Thu Hồng đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm “mứt chôm chôm cô Chín”. Không dừng lại ở đó, hiện nay, chị Thu Hồng đang thử nghiệm và bước đầu nhận được sự thành công từ việc ủ phân hữu cơ của vỏ trái chôm chôm và bổ sung mụn dừa, đạm cá với sự hỗ trợ từ phía chuyên gia Trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh) và Dự án AMD tỉnh. Nếu đạt hiệu quả, tin tưởng rằng, trái chôm chôm địa phương sẽ không ngừng nâng cao giá trị, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình chị Trần Thị Thu Hồng nói riêng và người dân trong tương lai.

Bài: Sở KHCN Tỉnh Bến Tre


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng